Trình Độ Học Vấn Trong CV

Đâu là cách tốt nhất để nêu trình độ học vấn khi viết CV? Trong mục Trình độ học vấn của CV, hãy liệt kê những trường bạn theo học, bằng cấp, điểm trung bình nếu bạn đang là sinh viên hoặc mới tốt nghiệp, và bất kì giải thưởng đặc biệt nào bạn nhận được.

Khi viết CV, bạn nên thiết kế mục này sao cho phù hợp với tình trạng của bạn, bao gồm bạn có còn đang là sinh viên không, bạn có bao nhiêu kinh nghiệm làm việc, và số lượng thành tích trong học tập của bạn. Bằng cách viết thông tin phù hợp bạn có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và đảm bảo vé vào vòng phỏng vấn.

         Nên viết gì trong mục Trình độ học vấn

Thông tin quan trọng cần nêu trong mục này là bằng cấp và trường bạn theo học.

Bạn cũng có thể cung cấp thông tin cụ thể hơn, gồm chuyên ngành chính và phụ của bạn, và cả năm tốt nghiệp, mặc dù không được yêu cầu.

Hãy nêu điểm trung bình nếu bạn hiện đang là sinh viên hoặc vừa tốt nghiệp khoảng 1-2 năm, và quan trọng là nếu điểm trung bình chung của bạn cao (khoảng 7.5 (theo thang điểm 10) và 3 (theo thang điểm 4) hoặc cao hơn).

Ngoài ra, hãy kể về những giải thưởng bạn nhận được ở trường. Bạn cũng có thể nêu những câu lạc bộ ngoại khóa, nhóm từ thiện hoặc các tổ chức mà bạn tích cực tham gia hoặc giữ vai trò lãnh đạo.

Đồng thời còn có những khóa học phát triển chuyên ngành và các chứng nhận.

         Nên đặt mục Trình độ học vấn ở đâu trong CV

Sinh viên chưa hoặc mới tốt nghiệp thường sẽ đặt mục này ở đầu khi viết CV, vì họ có kinh nghiệm làm việc hạn chế. Trong trường hợp này, bạn sẽ muốn làm nổi bật những thành công trong học tập của mình.

Nếu bạn đã tốt nghiệp được ít nhất là vài năm, thì bạn có thể chuyển mục này ra cuối CV. Vào lúc này, bạn đã có đủ kinh nghiệm làm việc để thể hiện và bạn không cần phải phụ thuộc vào trình độ học vấn của mình nữa.

         Bí quyết trình bày Trình độ học vấn trong CV

Hãy xem xét các tiểu mục. Nếu bạn có nhiều thông tin cho phần Trình độ học vấn, thì bạn hãy chia phần này thành những mục nhỏ. Mục chính có thể bao gồm trường và bằng cấp, sau đó, bạn có thể lập những mục nhỏ hơn như “Giải thưởng”, “Chứng chỉ” và “Phát triển chuyên môn”. Nếu bạn giữ chức vụ lãnh đạo trong một tổ chức ở trường (như câu lạc bộ học thuật, thể dục thể thao,…), thì bạn có thể liệt kê thông tin này bên dưới những giải thưởng.

Cung cấp chi tiết (nếu có ích). Nếu khoa hoặc chuyên ngành của bạn trong trường đại học nổi tiếng và phù hợp công việc bạn ứng tuyển (ví dụ như, bạn tốt nghiệp chuyên ngành dịch vụ khách hàng và đang tìm việc làm trong nhà hàng, khách sạn), thì bạn có thể nêu chi tiết này trước tên trường đại học. Ví dụ như, bạn có thể viết “Chuyên ngành Dịch vụ khách hàng, trường Đại học XYZ”.

Bạn có thể bỏ qua điểm trung bình. Nếu bạn đang là sinh viên hoặc vừa mới tốt nghiệp và điểm trung bình chung của bạn không cao, nhưng bạn có những giải thưởng khác, thì bạn có thể bỏ qua phần điểm số và thay thông tin khác vào, như “Giải thưởng XYZ”. Một khi bạn đã tốt nghiệp được vài năm, dù thế nào thì bạn hãy nên bỏ phần điểm trung bình ra khỏi CV của mình.

Bạn có thể bỏ qua thông tin trường phổ thông (sau một khoảng thời gian). Một khi bạn đã học đại học được một năm hoặc hơn (hoặc bạn theo học những chương trình sau đại học), thì bạn có thể bỏ phần thông tin liên quan trường phổ thông. Ngược lại, nếu đây là trình độ học vấn cao nhất của bạn, thì hãy nêu về trường và bằng phổ thông của mình.

Nói sự thật. Nhà tuyển dụng có thể dễ dàng xác nhận thông tin bạn cung cấp trong CV là thật hay không. Do đó, hãy thành thật. Ví dụ như, nếu bạn không hài lòng với điểm trung bình chung của mình, thì hãy bỏ phần này đi, chứ đừng tự cho điểm khống.